Mình là Đi đổ rác cùng Lê đây. Các bạn đang tìm kiếm một mẫu kịch bản podcast phải không? Hy vọng bài viết này của Lê – một giảng viên báo chí và truyền thông sẽ giúp ích cho bạn. Nên bắt đầu viết podcast như thế nào, kịch bản podcast có bố cục ra sao, những lưu ý khi viết kịch bản podcast là những gì bài viết này muốn chia sẻ cùng bạn!
Bước 1: Xác định chất liệu sử dụng trong kịch bản podcast
Một chương trình podcast hay phát thanh thông thường gồm có các yếu tố sau:
- Voice: Podcaster dẫn, khách mời trao đổi, băng phỏng vấn nhân vật, đọc thư từ thính giả… Bạn cần xác định xem mình sẽ tự dẫn một mình hay có khác mời mỗi tập. Có dựng kèm băng phỏng vấn nhân vật hay không.
- Nhạc nền: Không lời hoặc có lời (trong lúc trò chuyện). Bạn nên chuẩn bị một kho nhạc sẵn để thính giả cảm thấy quen thuộc với chương trình của mình khi nhạc phát lên và lưu ý các vấn đề về bản quyền khi sử dụng nhạc nếu có ý định đăng chương trình lên đa nền tảng
- Ca khúc/Bài hát: Phát giữa các phần trò chuyện. Phần này có thể có hoặc không. Nếu có thì bạn có thể phát 1/2 bài, 1/4 bài, điệp khúc hoặc toàn bài.
- Tiếng động khác (sound effect): Tiếng chuông gió, uống nước, gõ cửa, xe chạy… Các âm thanh này có thể tìm trên các kho sound effect hoặc tự thu âm riêng. Thường dựng kèm nhạc hiệu, nhạc cắt.
- Nhạc hiệu và nhạc cắt: Nhạc hiệu là phần nhạc intro đầu chương trình, được dựng cố định. Nhạc cắt là nhạc chuyển để phân chia các phần nhỏ trong chương trình với nhau.
Tùy phong cách, đề tài hướng đến mà bạn có thể chọn một trong những yếu tố trên để viết kịch bản podcast. Nếu bạn theo dõi podcast thường xuyên sẽ thấy có những podcasters chỉ tâm sự “chay” mỗi tập mà không cần thêm bất cứ ca khúc hay nhạc nền không lời nào. Điều này là hoàn toàn có thể nếu như bạn tự tin vào nội dung mà mình truyền đạt.
Hạn chế nếu sử dụng ca khúc nào đó trong kịch bản podcast đó là bạn có thể gặp phải vấn đề bản quyền nếu như đăng podcast lên trên Youtube. Tuy nhiên vì là kịch bản mẫu nên mình sẽ trình bày đầy đủ cả 4 mục trên để bạn có thể sử dụng khi cần nhé.
Bước 2: Xác định bố cục của chương trình
Vì đặc trưng của podcast là không có chữ và hiện hình nên kịch bản nên chia bố cục và có dấu hiệu để người nghe nhận ra, việc này giúp chương trình được logic, người nghe cũng dễ theo dõi hơn.
Có 2 cách chia bố cục của chương trình đó là:
Chia thông qua nhạc cắt: Đây là cách chia rõ ràng, bạn sẽ thu sẵn nhạc cắt đọc tên chuyên mục trên nền nhạc để thính giả nhận ra, chuẩn bị tinh thần để chuyển qua một mục khác. Chẳng hạn chương trình Ăng-ten Xoay Sinh viên chúng mình từng làm cho báo Tuổi Trẻ có các phần như sau:
- Dò sóng: Tin tức về các hoạt động, sự kiện dành cho sinh viên đã, đang và sắp tổ chức
- Bắt sóng: Trò chuyện với 1 khách mời như họa sĩ, Bí thư Đoàn, Tình nguyện viên…
- Phát sóng: Phỏng vấn nhanh với sinh viên về một chủ đề nào đó
Chia thông qua sound effect hoặc nhạc lắng: Nghĩa là bạn không đặt tên cho từng chuyên mục, nhưng mỗi phần bạn sẽ thêm tiếng chuông, tiếng còi xe hoặc đơn giản là nhạc nền sẽ được kéo dài 5 giây (gọi là nhạc lắng), hoặc người dẫn chương trình dẫn nối nói cho thính giả biết. Ví dụ: “Mình vừa nói về những nỗi lo khi tới 30 tuổi, nhưng những người đã qua 30 họ nói gì về nỗi lo này, chúng ta cùng nghe nhé”.
Hoặc: “Các bạn vừa nghe mình kể về nỗi sợ của bản thân, vậy mình đã vượt qua những nỗi lo đó như thế nào, chúng ta cũng chuyện trò tiếp nhé”. Nghĩa là bạn có thể tự ngầm phân mỗi chương trình hôm nay sẽ gồm 3 phần: Nỗi lo của mình, nỗi lo có đáng sợ như mình nghĩ, cách đối diện với nỗi lo và vượt qua nó.
Bước 3: Xác định ngân hàng chủ đề của podcast
Trước khi viết kịch bản, bạn nên có 1 list chủ đề sẵn cho mỗi tuần. Ví dụ: Tuổi dậy thì của mình, Đi làm ngày đầu tiên, Hướng nội làm gì trước đám đông, Những quyển sách thay đổi cuộc đời mình, Yêu xa có khó lắm không…
Khi có ngân hàng chủ đề này thì trước khi kết thúc một kịch bản, bạn sẽ có chủ đề để giới thiệu tiếp cho thính giả mong chờ vào các tập tiếp theo. Việc này cũng giúp bạn có thể xây dựng thêm các chuỗi (series) phù hợp. Ví dụ 5 tập làm về tồn tại ở trường Đại học, 5 tập liên tiếp về Yêu xa, 5 tập về chăm sóc sức khỏe tinh thân.
Bước 4: Lưu ý trước khi viết
- Nên xưng bạn thay vì các bạn. Đặc trưng của podcast hiện đại là nói chuyện tạo cảm giác 1-1, nhưng đang có một người bạn tâm sự ngay cạnh bên
- Nhắc lại tên chương trình, tên mình thường xuyên vì phát thanh khác với truyền hình, cần lặp lại để nhớ.
- Giải thích rõ ràng, cụ thể thay vì nói ngắn gọn. Ví dụ: Mình đã đến Bảo Lộc vào một buổi chiều trời siêu siêu đẹp. À Bảo Lộc là một Thành phố nằm trong Lâm Đồng luôn á các bạn, đi từ Đà Lạt xuống Bảo Lộc mất khoảng 2 tiếng hơn.
- Dùng văn nói thay vì văn viết, câu chủ động thay vì bị động. Ví dụ: Được mệnh danh là thành phố ngàn hoa, Đà Lạt nổi tiếng với các loại hoa được trồng ở khắp nơi… => Nhắc tới Đà Lạt thì các bạn nghĩ tới điều gì, chắc các bạn đều biết đây được mệnh danh là thành phố ngàn hoa hơ. Hoa Đà Lạt ở khắp mọi nơi luôn, trước cửa nhà, ngoài đường, mà quan trọng là không có ai hái trộm nha mọi người.
- Không nên đọc liền 1 mạch, cần có những khoảng lắng (Khoảng 3-5 giây)
Bước 5: Bắt đầu viết kịch bản podcast
Sau khi có ý tưởng rồi thì bắt tay vào làm thôi, khi viết bạn có thể chia các mục sao cho thuận tiện với bản thân. Nhưng nên dùng kịch bản đánh trên giấy ngang. Đây là mẫu nhé:
Trên đây chỉ là ví dụ mẫu, các bạn có thể thay đổi theo nhu cầu của bản thân. Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích được phần nào cho các bạn. Nếu cần trao đổi thêm các bạn có thể tìm mình ở Instagram Đi đổ rác cùng Lê hoặc Facebook Lê Lê. Nếu giúp được gì mình sẽ hỗ trợ hết mình. Hoặc nếu bạn thấy thích bài viết này, có thể để lại comment hoặc gửi email hoặc nhắn tin cho mình biết nhé, để có động lực làm tiếp các bài viết khác trong tương lai. Yêu yêu!!!!!