Chuyện trên cầu 1 – Thế bà sợ điều gì?
Có những người già, đang sống trong những thành phố nhỏ, nơi con cái đi lập nghiệp xa nhà, nơi xóm giềng chỉ hỏi thăm vài câu, nơi không có ruộng vườn, con trâu, con nghé để chăm cho đỡ buồn
Tại sao lại là thành phố nhỏ? Vì không phải thành phố lớn như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh – nơi con cái của họ đang lập nghiệp và sống cùng vợ chồng, con cái. Cũng không phải là thôn quê nơi hàng xóm láng giềng í ới nhau mỗi ngày, có con gà, có ruộng vườn chăm bón mỗi ngày cho đỡ buồn.
Họ là những người lớn tuổi ở thành phố nhỏ – như Đà Lạt của Lê. Nơi mà nguyên xóm mình chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay các gia đình sống chung với con cái, còn lại đều là hai vợ chồng 60, 70, 80 tuổi lủi thủi bên nhau.
Nơi đây hàng xóm lâu lâu gặp mặt nói vài câu trên đường đi chợ mua thức ăn, nơi các ông sáng ngồi cà phê tám chuyện 5,10 phút. Sau đó họ lại về nhà, nấu ăn, ra vào, xem tivi, chăm cây cối, tập thể dục rồi nói chuyện điện thoại với con cháu
Hôm qua bố mẹ Lê đi huyện thăm bố mẹ của bạn cũ. Ông bà gần 90 rồi, lụi cụi nấu ăn chăm nhau. Bà kêu có hôm nấu thịt xong cứng quá răng nhai không được thế là đổ cho chó. Bố mẹ mình về cứ kể thương ông bà ghê.
Tới thế hệ chúng ta, việc sống một mình chẳng quan trọng gì mấy, có khi càng khoẻ. Nhưng bố mẹ thì khác, họ giao thời giữa việc xóm giềng tối lửa tắt đèn có nhau, tới lúc ở trong những căn nhà bê tông mạnh ai nấy sống, con cái thì ở xa xôi lâu lâu mới về, thế nên cô đơn sẽ nhiều hơn.
Mỗi lần hai mẹ con mình khoác tay nhau đi dạo bộ, cứ 2,3 mét là lại có cô chú bảo: Trời ghen tị với mẹ con nhà này quá, tui đây lủi thủi 1 mình. Lúc đó mình lại bảo mẹ: Đó, mẹ thấy mẹ sướng chưa, con chưa có chồng thì mẹ tận hưởng đi :)))
Những người già trong thành phố nhỏ rồi sẽ sống được mấy chục năm trên đời này nữa đâu, ít phút rảnh rỗi mỗi ngày, chỉ muốn quan tâm họ nhiều hơn, không phải bằng vật chất mà là tinh thần.